Tham dự lễ trao giải có sự hiển diện của đồng chí Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ khoa học Công nghệ…
Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: CTCLQG được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh tổng kết, đánh giá việc xét tặng giải thưởng chất lượng quốc gia.
GTCLQG được xét tặng cho các doanh nghiệp căn cứ vào tổng điểm đạt được theo 7 tiêu chí và 4 loại hình doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp dịch vụ lớn, doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.
GTCLQG gồm 7 tiêu chí được chia thành 18 hạng mục tiêu chí. Các yêu cầu của tiêu chí được thể hiện thành hơn 200 câu hỏi. Tổng điểm tối đa của 7 tiêu chí là 1000 điểm. 7 tiêu chí bao gồm: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm); Hoạch định chiến lương (85 điểm); Định hướng vào khách hàng (85 điểm); Đo lương, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); Định hướng vào nguồn nhân lực (85 điểm); Quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); Kết quả hoạt động (450 điểm).
GTCLQG gồm hai loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải Bạc Chất lượng Quốc gia. Các doanh nghiệp tham gia được đánh giá 7 tiêu chí của GTCLQG đối với từng loại hình doanh nghiệp và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. Doanh nghiệp được xét tặng GTCLQG phải có số điểm từ 600 điểm trở lên. Doanh nghiệp được xét Giải Vàng Chất lượng Quốc gia phải có số điểm từ 800 điểm trở lên.
Giải Vàng Chất lượng Quốc gia được xét tặng cho các doanh nghiệp xuất sắc nhất theo tuyển chọn của Hội đồng Quốc gia trong số các doanh nghiệp đạt GTCLQG. Giải Vàng Chất lượng Quốc gia có số lượng tối đa là 20 giải cho 4 loại hình doanh nghiệp. Không hạn chế số lượng doanh nghiệp đạt Giải Bạc Chất lượng Quốc gia.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, từ năm 1996 đến năm 2014 đã có 1.613 lượt doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Chất lượng, trong đó từ năm 2001-2014 đã có 128 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Các doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2000 liên tục tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (CPEA), đến năm 2014 đã có 34 doanh nghiệp được trao giải CPEA này.
46 doanh nghiệp nhận Giải Bạc Chất lượng Quốc gia.
Năm 2014, 3 doanh nghiệp đạt giải CPEA gồm Ngân hàng TMCP Quân đội; Công ty Cổ phần Sài Gòn Phú Quốc; Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Muốn đất nước của chúng ta hội nhập, tiến lên theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải có một lực lượng doanh nhân đủ mạnh, hoạt động có uy tín, chất lượng và được xã hội thừa nhận.GTCLQG được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế, có hoạt động nổi trội về chất lượng, có uy tín trên thương trường, có đóng góp nhiều cho xã hội và đã áp dụng những khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý và phẩm chất kinh doanh…
“Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn khoảng cách xa so với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Đó là thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập và cũng là thách thức lớn cho tất cả các doanh nghiệp. Chính vì vậy để cho chúng ta phát triển được, hội nhập được thì các doanh nghiệp đã được giải thì cố gắng giữ được chất lượng và uy tín của mình. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những khoa học công nghệ tiến bộ để nâng cao chất lượng của mình, không chỉ đứng vững mà còn tiếp tục phát triển được vị thế của mình ở trong nước cũng như trong khu vực. Ngoài ra các doanh nghiệp phải đoàn kết để tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp hùng hậu” – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ.
Cũng theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, với những doanh nghiệp chưa đoạt giải lần này thì cần cố gắng xây dựng thương hiệu để những năm tới sẽ được bình chọn, qua đó làm cho uy tín, vị thế được nâng lên.
“Từ năm 2016, bối cảnh có những đổi mới, nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức. Chính vì thế Bộ Khoa học Công nghê, Hội đồng Quốc gia cần phải nghiên cứu lại bộ tiêu chuẩn đánh giá để vừa phù hợp chuẩn của quốc tế nhưng lại phù hợp với điều kiện chúng ta hội nhập” – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.
Nguyễn Hùng
Khoa học – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.