Polkadot là một dự án được xây dựng với giấc mơ lớn trở thành trung tâm kết nối các blockchain với nhau, trở thành nền tảng Web 3.0. Ngay chính trong cấu tạo của parachain và relaychain đã thể hiện tham vọng đó. Trong đó, Moonbeam là một cánh tay nối dài của mạng lưới Polkadot trong nỗ lực vươn đến các blockchain khác cụ thể là “đàn anh” Ethereum.
Moonbeam là gì?
Moonbeam là một parachain trên Polkadot được phát triển dành cho developer nhằm đơn giản hóa việc triển khai lại hợp đồng thông minh trên Ethereum vào hệ sinh thái Polkadot.
- Nếu bạn đã đọc kiến thức chuẩn bị được liệt kê ở trên, sẽ hiểu tham vọng của Polkadot là kết nối các blockchain khác nhau lại với nhau. Trong tham vọng đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tái triển khai cả những smart contract vốn có trên “đàn anh” Ethereum vào Polkadot mà không cần phải viết lại một khối lượng code khổng lồ? Và thế là Moonbeam ra đời để giải quyết vấn đề đó.
- Nhưng không chỉ thế, Moonbeam không đơn giản chỉ là “cây cầu”. Nhưng Moonbeam còn là kết quả của sự kết hợp giữa sức mạnh bảo mật từ Polkadot (vì là một parachain của Polkadot) và tính dễ sử dụng của việc viết hợp đồng trên Ethereum. Thế nên, developer vẫn cứ tiếp tiếp tục sử dụng ngôn ngữ lập trình (Solidity) như từ xưa đến giờ, rồi dễ dàng triển khai lại nó vào môi trường Moonbeam (Substrate).
Tháng 12/2021 này, Moonbeam sẽ chính thức được launch trên Polkadot sau khi đã trải qua Crowdloan.
Moonbeam thực hiện mục tiêu của mình bằng cách nào?
Để đạt được mục tiêu trên, Moonbeam biến mình thành một môi trường giống như là Ethereum. Nghĩa là Moonbeam có thể tương thích đầy đủ với các công cụ, Dapp, các giao thức và tiêu chuẩn của Ethereum. Hay điều này có thể gọi cách khác là tương thích EVM (Ethereum Virtual Machine).
Nhưng không dừng lại ở đó, Moonbeam còn bổ sung thêm những tính năng mới ngoài những tính năng cơ bản hiện có của Ethereum, như là quản trị trên chuỗi (on-chain governance), staking, tương thích chuỗi chéo (cross-chain).
Ai sẽ được hưởng lợi từ Moonbeam
Với giải pháp của mình, có ba đối tượng chính sẽ được hưởng lợi từ Moonbeam:
- Đầu tiên đó là những dự án dựa trên Ethereum hiện có. Con số dự án này tăng lên từng ngày đặc biệt trong năm 2020-2021. Những dự án này vốn bị đối diện với thách thức về chi phí và khả năng mở rộng. Khi đó họ có thể sử dụng Moonbeam để di chuyển khối lượng công việc hiện tại ra khỏi Layer 1 Ethereum. Đồng thời có thể chạy song song trên cả Ethereum và Moonbeam để mở rộng tầm ảnh hưởng sang mạng lưới Polkadot và tất cả những mạng nào đã kết nối với Polkadot.
- Đối tượng thứ hai đó chính là những dự án trong hệ sinh thái Polkadot. Họ có thể sử dụng Moonbeam như một nơi để gây quỹ, và tận dụng được những công cụ phát triển Ethereum vốn có.
- Đối tượng thứ ba là các developer phát triển Dapp. Họ có thể tận dụng những chức năng chuyên biệt của Moonbeam với tư cách là một parachain của Polkadot, để tiếp cận nhiều người dùng hơn và nhiều tài sản ở các chuỗi khác.
Từ đó, có thể thấy tiềm năng của Moonbeam là rất lớn, và tỷ lệ thuận với tiềm năng của chính Polkadot.
Glimmer Token (GLMR) là gì?
Glimmer Token (GLMR) là token tiện ích của Moonbeam Network. Bởi vì Moonbeam được xây dựng như một nền tảng hợp đồng thông minh nên nó cũng cần token để thực hiện những chức năng của nền tảng đó (tương tự như ETH trên mạng lưới Ethereum nhưng cộng thêm những chức năng trên mạng lưới Polkadot). Cách đặt tên token (Glimmer – GLMR) lại không giống tên của mạng lưới (Moonbeam) như những dự án thường thấy trong thị trường.
Một số chức năng quen thuộc của một token tiện ích như GLMR, như là:
- Tạo ra các node phi tập trung làm nền tảng cơ sở cho mạng lưới Moonbeam.
- GLMR được sử dụng như công cụ để quản trị on-chain bao gồm các chương trình đề xuất, bầu thành viên hội đồng, bỏ phiếu…
- Thanh toán phí giao dịch trên mạng lưới.
Glimmer Token (GLMR) không phải là token ERC-20. Nhưng nhà phát triển Polkadot nói vẫn có thể di chuyển GLMR và những token khác trên Moonbeam sang Ethereum như là ERC-20s.
Moonriver (MOVR) là gì?
Nói đến Glimmer Token (GLMR) thì cũng phải nhắc đến Moonriver (MOVR).
- Như chúng tôi đã giải thích trong bài viết về Kusama, một dự án nào muốn chạy chính thức trên Polkadot thì nó thường được thử nghiệm trước trên Kusama. Thế nên người ta gọi Kusama là “Canary Network” của Polkadot. Moonbeam cũng không ngoại lệ.
- Moonriver (MOVR) là token tiện ích của mạng lưới Moonriver. Còn Moonriver chính là mạng song song với Moonbeam nhưng được triển khai trên Kusama. Nghĩa là những code mới viết sẽ được gửi đến Moonriver trước tiên, tại đó nó được kiểm tra và thử nghiệm trong điều kiện thực tế. Sau khi được chứng minh hiệu quả, code tương tự sẽ được gửi đến Moonbeam trên Polkadot.
Tiến trình trên dù khá tốn thời gian nhưng dưới góc nhìn của một developer sẽ thấy sự thận trọng đảm bảo tính hiệu quả khi vận hành.
kết luận
Từ Moonbeam cho đến Web3.0 là cả một khoảng cách lớn. Vì Moonbeam chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp để đáp ứng mục tiêu kết nối các blockchain lại với nhau của Polkadot. Thậm chí cho đến nay chúng ta vẫn không chắc họ sẽ thành công hay không hoặc thành công thế nào? Hay tham vọng quá lớn của họ có xung đột với lợi ích của những tầm nhìn dự án khác hay không?
Tuy nhiên việc phát triển Moonbeam một cách bài bản và kiên trì của Polkadot sẽ tạo một sự an tâm nhất định đối với những ai nắm giữ Glimmer (GLMR).
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK | TELEGRAM | TWITTER
Trang tin tức Bitcoin, tiền điện tử
Nguồn: Sưu Tầm