Cú sập của token Luna và UST được đánh giá là dấu hiệu xấu cho sự mở rộng của tiền mã hoá, vì chúng có thể bị kiểm soát chặt hơn.
Từ ngày 9/5, thị trường tiền mã hoá trở nên rối ren khi giá trị của hai token của Terra là Luna và UST rơi tự do, từ mức vốn hóa hơn 30 tỷ USD một tuần trước đó còn khoảng 70 triệu USD và vẫn tiếp tục giảm. Stablecoin UST vốn thường xuyên neo giá ổn định ở mức một USD giờ chỉ còn 0,18 USD.
Sau “mùa đông tiền mã hoá” cách đây hơn bốn năm, các nhà quản lý và người dùng dần bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về tiền điện tử. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thảm họa Luna đang khiến niềm tin bị xói mòn.
Tác động ngắn hạn
Từng có giá hơn 100 USD, Luna có lúc sụt xuống mức 0,0001 USD trong tuần qua, tức giảm cả triệu lần. Một cách đơn giản, nếu một người sở hữu số Luna trị giá một triệu USD trước tháng 5, hiện tài sản của họ còn đúng một USD. Tương tự với UST, những ai nắm giữ stablecoin này cũng chia năm tài khoản, dù đây là loại đồng tiền ổn định về giá.
Cú sập của Luna – một token từng đứng trong danh sách 20 tiền mã hoá lớn nhất thế giới về mặt vốn hóa – khiến nhiều người mất trắng tài sản sau một đêm, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bởi họ tin một “coin top” không thể mất giá nhanh đến thế.
Từ việc được ưu ái, Luna và UST dần bị hạn chế hoặc bị loại khỏi danh sách giao dịch của hầu hết sàn tiền mã. “Sự cố nghiêm trọng này có thể rút cạn niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường tiền điện tử trong ngắn hạn”, trang Indian Express bình luận.
Bên cạnh đó, Luna lao dốc cũng ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử. Bitcoin từ mốc hơn 34.000 USD trước đó giảm còn 27.000 USD tính đến 12/5 – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Trong khi đó, nhiều token khác cũng giảm từ 30% tới hơn 50%.
Stablecoin có thể bị quản lý chặt
Theo Protocol, sau sự cố của Luna, các cơ quan quản lý trên toàn cầu được dự đoán sẽ ngày càng thắt chặt các dự án tiền mã hoá bằng những quy định nghiêm khắc hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người tham gia thị trường.
Giới chuyên gia dự đoán các quy định sẽ tập trung nhiều hơn vào stablecoin sau cú sập UST. Thực tế thời gian qua, các nhà quản lý chỉ tập trung nhiều vào các loại tiền mã hoá biến động về giá trị hơn là stablecoin – loại tiền mã hoá được phát triển trên blockchain và neo theo giá trị của các loại tiền pháp định như USD hoặc Euro.
“Sự sụt giảm đột ngột này là lời nhắc nhở rằng mô hình đằng sau hầu hết các stablecoin vẫn còn mang tính thử nghiệm cao”, Ronghui Gu, nhà sáng lập và CEO công ty bảo mật blockchain CertiK, nói trên The Verge. “Trong thế giới blockchain và Web3, mọi thứ có thể được áp dụng cho stablecoin, nhưng chưa có giải pháp nào hoàn toàn thuyết phục”.
“Bài học từ UST nhất định sẽ thúc đẩy sự thúc đẩy điều chỉnh tiền điện tử, đặc biệt là stablecoin”, Thượng nghị sĩ Mỹ Pat Toomey nói trong một cuộc họp báo hôm 11/5. “Đây là những khoản đầu tư đôi khi mang lại lợi nhuận lớn, nhưng nguy cơ về 0 cũng rất cao. Vì vậy, nhà đầu tư phải luôn đảm bảo rằng họ hiểu những gì đang làm”.
Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), kêu gọi Quốc hội nước này cần đưa ra quy định xung quanh các loại tài sản tiền điện tử. Ông từng ví stablecoin như chip poker được sử dụng tại các sòng bạc thay cho tiền mặt. “Những loại tiền mã hoá như stablecoin đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính”, Gensler nói.
Nhận xét về sự phát triển của Terra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trên WSJ:
Mọi thứ cho thấy đây là một sản phẩm đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Chúng ta thực sự cần một khuôn khổ quản lý nhất quán ở cấp độ liên bang.
Dù vậy, có ý kiến cho rằng khủng hoảng UST có khả năng sẽ mang lại “nhiều luồng gió hơn cho cánh buồm” để thúc đẩy một loại tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương Mỹ phát hành. “Stablecoin đã chứng tỏ nhu cầu thực sự của thị trường”, Alex Johnson, phụ trách Fintech Takes của Protocol, nhận định.
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK | TELEGRAM | TWITTER
Trang tin tức Bitcoin, tiền điện tử
Nguồn: Sưu Tầm