Như vậy, theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá cao thứ 11 trên thế giới, xếp ngay trên Thái Lan (5,2%). Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá cao nhất ở mức 9,4% (cao thứ 4 trên thế giới). Năm ngoái, theo báo cáo chỉ số đón nhận tiền mã hoá toàn cầu của Chainalysis, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ đón nhận tiền mã hoá tích cực nhất.
Theo báo cáo của UNCTAD, 15/20 quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá lớn nhất thế giới thuộc nhóm các quốc gia đang phát triển. Tổ chức này nhận định 2 lý do tiền mã hoá được đón nhận ở thời điểm hiện tại là khả năng hỗ trợ chuyển tiền nhanh chóng, chi phí thấp đồng thời nhiều người nhìn nhận nó như một cách để “trú ẩn” khỏi lạm phát.
Dù vậy, do là một tài sản tài chính có mức độ biến động cao, tiền mã hoá có thể mang đến nhiều rủi ro và chi phí. Vì thế, UNCTAD khuyến nghị các quốc gia có động thái hành động kịp thời về chính sách để giảm thiểu các rủi ro mang lại.
Cụ thể, UNCTAD khuyến nghị các quốc gia kiểm soát tài chính toàn diện liên quan đến tiền mã hoá thông qua quản lý các sàn giao dịch tiền mã hoá, ví điện tử và các công cụ tài chính phi tập trung. Đồng thời, các quốc gia cũng nên cấm định chế tài chính nắm giữ tiền mã hoá (bao gồm stablecoin) hoặc cung cấp các sản phẩm liên quan đến khách hàng.
UNCTAD cũng khuyến khích hạn chế quảng cáo liên quan đến tiền mã hoá đồng thời khuyến khích các quốc gia triển khai các hạ tầng thanh toán an toàn, ổn định cùng chi phí thấp trong thời kỳ chuyển đổi số. Đồng thời, các quốc gia cùng cần có các chính sách liên quan đến thuế dành cho tài sản số và tái thiết kế các biện pháp quản lý vốn trong đó tính đến các yếu tố phi tập trung, không biên giới và nặc danh của tiền điện tử.
Trang tin tức Bitcoin, tiền điện tử
Nguồn: Sưu Tầm