Chiến lược trung bình giá (DCA) được ca ngợi là tốn ít thời gian và không cần phải phân tích gì nhiều nhưng đem lại hiệu quả đầu tư cao. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ sự thật được quảng bá về chiến lược này.
Những nhà đầu tư Crypto lâu năm trước không tin nay đã áp dụng DCA
Chiến lược DCA trong hai năm qua không những được những nhà đầu tư mới hưởng ứng mà những nhà đầu tư từ trước 2018 đã trải qua giai đoạn downtrend và uptrend, cũng bắt đầu tin tưởng nhiều hơn và áp dụng. Lý do chính là vì giá Bitcoin tăng gần 3.5 lần kể từ đỉnh cũ 20,000 USD, đã chứng minh chiến lược DCA hoàn toàn đúng trong mọi giai đoạn. Nhưng đến nay, cục diện đã khác.
- Chúng ta sẽ lấy thời điểm T5/2020 là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (sau đợt sập T3/2020). Lúc này thị trường sideway quanh 9,000 USD. Nếu một nhà đầu tư bắt đầu DCA hằng tuần đều đặn mua 100 USD giá trị BTC, thì đến nay – tức sau 2.5 năm – họ đang lỗ 12.21% (đã tính phí giao dịch P2P 0.2%).
- Với cách DCA như thế, họ chỉ mua được 0.56 BTC trong 2.5 năm qua. Giả sử như, họ quyết định dành toàn bộ số tiền đó để mua một lần (Lump Sum) ngay tại giai đoạn T5/2020 thì trong 2.5 năm đó họ có rất nhiều cơ hội đã bán với giá x2, x3 thậm chí x5 lần. Và cho đến nay, khi thị trường giảm về dưới 20,000 USD họ vẫn đang có lời 131%.
Vấn đề trớ trêu khi những nhà đầu tư truyền tai nhau về chiến lược DCA, họ quan niệm rằng cứ mua liên tục sau 2 năm hoặc 3 năm là sẽ nhân gấp nhiều lần tài khoản. Rõ ràng, downtrend năm 2022 đã phủ định lý thuyết trên. Những nhà đầu tư nào bắt đầu DCA trễ hơn thì khoản lỗ càng lớn hơn.
Không có chiến lược đầu tư nào dễ dàng
Tâm lý e ngại trở thành trader vì giao dịch quá nhiều lần và liên tục đối diện với biến động ngẫu nhiên đầy rủi ro đã khiến những nhà đầu tư ít kinh nghiệm quyết định trở thành holder. Nhưng họ không hiểu rằng, khó khăn của trader hay holder gì cũng đều tương đương.
1. Để DCA liên tục cũng cần có kỷ luật như trade
Phải thành thật đặt vấn đề liệu có bao nhiêu nhà đầu tư kỷ luật thép để có thể liên tục mua bất chấp giá Bitcoin tăng giảm, bất chấp cả những tín hiệu kỹ thuật, và bất chấp cả những tin tức vĩ mô. Và liệu rằng họ có giữ nguyên số BTC hay ETH đó nằm im hay đã đem nó “gấp thếp” vào một dịch vụ khác để kiếm lời. Do đó, chiến lược DCA không hề dễ dàng. Nó cũng đòi hỏi phải kỷ luật và kiên định như trader kỷ luật trong việc chốt lời/cắt lỗ.
2. DCA cũng tốn nhiều thời gian và công sức
Rất hiếm nhà đầu tư nào mua xong mà không nhìn đồ thị giá. Dù đó là kế hoạch mua hằng tuần hay hằng tháng thì bản năng “đồng tiền đi liền khúc ruột” sẽ khiến các nhà đầu tư liên tục chú ý đến nó. Do đó, điều này cũng tốn thời gian và công sức như bao công việc khác, và cũng như day trader.
Nhưng trong thời gian đó, họ lại không làm gì khác ngoài việc đọc và suy nghĩ. Họ có xu hướng đọc những tin tức có lợi để ủng hộ cho chiến lược của mình. Nhưng khi giá đi ngược lại, tâm lý ăn thua khiến ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt cá nhân.
3. DCA trong thị trường Crypto thường không có điểm cắt lỗ khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội
Đây là một vấn đề gây tranh cãi. Giả sử 5 năm tới, thị trường uptrend trở lại và giá Bitcoin có thể tăng đến 100,000 USD như nhiều dự đoán. Thì toàn bộ tình trạng lỗ hiện tại sẽ thành có lời. Nhưng đó vẫn chỉ là giả sử! Nghĩa là người DCA phải nuôi một hy vọng kiện định đến mức không còn lựa chọn nào khác.
Họ phải chôn vốn trong thị trường đủ lâu, tâm lý phải đủ vững vàng để “diamond hand”, và sẵn sàng bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư khác. Ngay cả khi họ có đủ những điều đó đi nữa thì liệu họ có “đủ tiền” để chôn vốn mãi hay không. Do đó, chiến lược DCA nghĩa là chấp nhận bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.
Những phân tích trên không phủ nhận hoàn toàn tính hiệu quả của chiến lược DCA Bitcoin trong quá khứ, nhưng muốn nhấn mạnh đó cũng là một chiến lược đầy khó khăn, không hề dễ dàng và nhàn rỗi như những lời quảng cáo.
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK | TELEGRAM | TWITTER
Trang tin tức Bitcoin, tiền điện tử
Nguồn: Sưu Tầm