Công tố viên Pháp cho biết Pavel Durov bị bắt liên quan đến cuộc điều tra về hoạt động tội phạm trên Telegram và tình trạng thiếu hợp tác với cơ quan hành pháp.
Laure Beccuau, công tố viên ở Paris, hôm nay cho biết vụ bắt CEO Telegram Pavel Durov nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 8/7, với những cáo buộc có thể đưa ra như đồng lõa trong việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, bán ma túy, rửa tiền và từ chối hợp tác với giới chức.
Cuộc điều tra đang được các chuyên gia về tội phạm mạng và chống gian lận xử lý. Beccuau nói rằng Durov đã bị các điều tra viên thẩm vấn.
Jean-Michel Bernigaud, tổng thư ký Ofmin, cơ quan cảnh sát Pháp chuyên trách phòng chống bạo lực với trẻ vị thành niên, cho biết ông Durov bị bắt do Telegram không ngăn chặn được nội dung xấu về trẻ em. “Vấn đề cốt lõi là sự thiếu kiểm duyệt và hợp tác từ phía nền tảng, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tội phạm tình dục trẻ em”, ông Bernigaud nói.
Tại Pháp, các vụ án hình sự phức tạp được xử lý bởi các thẩm phán đặc biệt với quyền điều tra rộng rãi. Họ đưa ra cáo buộc với bị cáo khi tin rằng có bằng chứng bảo đảm điều đó. Nhưng thẩm phán sau đó có thể hủy bỏ cáo buộc nếu họ kết luận rằng bằng chứng là không đủ để tiến hành xét xử. Các vụ án có thể mất nhiều năm xử lý.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/8 cũng lên tiếng về sự việc, khẳng định vụ bắt CEO Telegram không mang động cơ chính trị. “Các thẩm phán là người quyết định”, ông nói.
Tổng thống Macron cho biết ông đã đọc được “thông tin sai lệch về Pháp” liên quan sự việc, song không nêu cụ thể. Ông khẳng định Pháp cam kết đảm bảo tự do ngôn luận.
Đây là một động thái bất thường của ông Macron vì các lãnh đạo Pháp thường tránh bình luận về giai đoạn đầu của cuộc điều tra hình sự.
Tuyên bố của ông Macron và các quan chức là những lời xác nhận chính thức đầu tiên của Pháp về sự việc. Truyền thông Pháp trước đó đưa tin Pavel Durov bị bắt tại sân bay Le Bourget ở ngoại ô thủ đô Paris tối 24/8, sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng. Công tố viên cho biết Durov hiện vẫn bị giam giữ.
Việc Pháp không đưa ra tuyên bố chính thức trong gần hai ngày đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về nguyên nhân đằng sau vụ bắt ông Durov.
Một số blogger quân sự Nga nói động thái là một phần trong cuộc chiến chống Moskva của phương Tây, do Telegram là phương tiện liên lạc chính của quân đội nước này. Họ cho rằng tình báo phương Tây có thể khai thác được nhiều dữ liệu nhạy cảm của lực lượng vũ trang Nga thông qua ông Durov.
Tỷ phú Elon Musk chỉ trích sự việc, đặt câu hỏi về quyền tự do ngôn luận ở châu Âu.
Điện Kremlin cùng ngày 26/8 cho biết Nga chưa nhận được thông tin từ Pháp về lý do Paris bắt CEO Telegram. Đại sứ quán Nga tại Paris cho biết cơ quan này đã yêu cầu được tiếp cận ông Durov, song phía Pháp không phản hồi.
Telegram khẳng định công ty này tuân thủ chặt chẽ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành, trong đó yêu cầu các công ty mạng xã hội lớn phải ngăn chặn hoạt động trao đổi nội dung, hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp. Durov “không có gì phải che giấu và thường xuyên di chuyển khắp châu Âu”, công ty này nhấn mạnh.
Ông Durov, 39 tuổi, sinh ra ở Saint Petersburg, được mệnh danh là “Mark Zuckerberg của Nga”. Telegram nói ông có quốc tịch Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Truyền thông Nga nói ông còn giữ quốc tịch Nga và St Kitts and Nevis (quốc gia vùng Caribe). Forbes ước tính CEO Telegram sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD.
Ứng dụng do ông sáng lập hiện có hơn 900 triệu người sử dụng, nổi tiếng về mã hóa đầu cuối (chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được một bộ phận người dùng yêu thích, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.
Ông Durov hồi tháng 4 cho biết mình đã bị một số chính phủ gây sức ép, song ứng dụng Telegram của ông vẫn sẽ tiếp tục là nền tảng trung lập, không tham gia vấn đề địa chính trị.
Tin tức bitcoin, tin tức coin
Nguồn: Sưu Tầm