Giá Bitcoin lấy lại mốc 47.000 USD/đồng sau 3 tháng. Theo giới chuyên gia, nếu vượt ngưỡng 50.000 USD, giá hoàn toàn có thể trở lại mức kỷ lục gần 65.000 USD.
Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 14/8, giá Bitcoin tăng 5,2% so với một ngày trước đó, xuyên thủng ngưỡng 47.000 USD/đồng. Giá thậm chí có thời điểm leo lên 47.900 USD/đồng, áp sát ngưỡng 48.000 USD/đồng.
Đà tăng đưa giá trị vốn hóa thị trường lên 893,5 tỷ USD, áp sát ngưỡng 900 tỷ USD. Tính từ mức hồi đầu năm 2021, giá Bitcoin đã tăng 63%.
Giá các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt bật tăng. Ether – đồng tiền mã hóa lớn thứ hai – chạm ngưỡng 3.300 USD/đồng, tăng gần 6% so với 24 giờ trước đó. Tính từ hồi đầu năm, giá đồng tiền tăng đến 345%, bỏ xa mức tăng của Bitcoin.
Giá Cardano và XRP cũng tăng lần lượt 7,25% và 9,2%. Theo CoinMarketCap, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đã tăng 5,49% so với một ngày trước đó và chính thức chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD.
Mức cao nhất 3 tháng
Như vậy, kể từ ngày 16/5, đây là lần đầu tiên Bitcoin lấy lại mốc giá 47.000 USD/đồng. Giữa tháng 5, giá Bitcoin trượt dốc mạnh từ mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng (thiết lập hôm 14/4) sau hàng loạt thông tin tiêu cực.
Chính quyền Trung Quốc trấn áp mạnh tay hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa tại đất nước tỷ dân. Tỷ phú Elon Musk – CEO hãng xe điện Tesla – tuyên bố ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì lo ngại về vấn đề môi trường. Ngay cả khi đã tăng trở lại, giá Bitcoin hiện vẫn giảm gần 27% so với mức đỉnh.
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) nhận định đà tăng giá của Bitcoin đã được kích hoạt từ giữa tháng 7. “Tôi không cho rằng có một yếu tố cụ thể nào đẩy giá lên cao. Đó chỉ là vấn đề thời gian”, ông nói thêm.
“Tôi không thấy bất cứ lý do nào khiến giá Bitcoin không thể trở lại mức kỷ lục gần 65.000 USD/đồng. Giá đã chạm ngưỡng đó một lần. Và hiện cũng không có thay đổi nào ngăn điều này xảy ra một lần nữa, thậm chí vượt qua mức này”, ông Erlam dự báo.
Theo vị chuyên gia, hai mốc quan trọng tiếp theo là 50.000 USD/đồng và 51.000 USD/đồng. Ông cho rằng nếu xuyên thủng ngưỡng 50.000-51.000 USD/đồng, Bitcoin chắc chắn sẽ trở lại mốc kỷ lục gần 65.000 USD/đồng.
Hôm 13/8, khi giá Bitcoin vẫn ở mức 46.000 USD/đồng, chuyên gia Craig Erlam đã dự báo ngưỡng kháng cự 47.000 USD/đồng sẽ không giữ được lâu.
“Dù vậy, đà tăng giá của Bitcoin vẫn có tính đầu cơ cao. Điều này có thể khiến giá sụt giảm mạnh hơn nữa (sau khi thiết lập đỉnh mới)”, vị chuyên gia cảnh báo.
Xu hướng chủ đạo
Các chuyên gia của CNBC nhận định giá Bitcoin bật tăng trong bối cảnh cuộc tranh luận ở Quốc hội Mỹ xoay quanh tiền mã hóa. Theo những nhà ủng hộ, các tranh cãi về loại tiền này thực chất là một sự xác nhận đối với ngành công nghiệp.
Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu hôm 9/8, Thượng viện Mỹ đã không thông qua điều khoản về thuế tiền mã hóa trong dự luật trị giá 1.000 tỷ USD. Dự luật nhằm hỗ trợ hệ thống cầu, đường, giao thông, năng lượng sạch và một số hoạt động phát triển khác.
Để bù đắp vào khoản hỗ trợ đó, Washington cần thu thêm các khoản thuế mới, bao gồm thuế áp lên nhà đầu tư tiền mã hóa. Điều khoản dự kiến bổ sung 28 tỷ USD cho doanh thu của liên bang trong vòng 10 năm tới.
Quy tắc mới đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ giới đầu tư, nhất là định nghĩa bên môi giới.
Chuyên gia tài chính Craig Erlam cho biết:
Hai mốc quan trọng tiếp theo là 50.000 USD/đồng và 51.000 USD/đồng. Nếu xuyên thủng ngưỡng 50.000-51.000 USD/đồng, Bitcoin chắc chắn sẽ trở lại mốc kỷ lục gần 65.000 USD/đồng.
“Tiền mã hóa sẽ đóng vai trò nguồn thu thuế chính để tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Đó thực sự là một tin tích cực”, Bloomberg dẫn lời bà Emilie Choi, Chủ tịch kiêm CEO Coinbase Global Inc., nhận định. “Tiền mã hóa không còn nằm ngoài cuộc chơi nữa. Nó đã trở thành xu hướng chủ đạo”, bà nói thêm.
Trên Twitter, một số lập luận rằng cộng đồng là một lực lượng đủ mạnh để tạo ảnh hưởng lên các cơ quan quản lý. Nhiều nhà đầu tư khẳng định đà tăng sẽ kéo dài hơn nữa.
Ngay cả cuộc trấn áp của chính quyền Trung Quốc cũng thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư Bitcoin. Theo ông Ethan Vera tại Viridi Funds, mạng lưới Bitcoin vẫn hoạt động ổn định ngay cả khi Bắc Kinh ban hành lệnh cấm. Điều đó chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ của hệ thống.
Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ), sau lệnh cấm của Trung Quốc, việc chuyển hoạt động khai thác ra khỏi đất nước tỷ dân thực chất có lợi cho Bitcoin, Ether và những loại tiền mã hóa khác. Bởi điều này sẽ phân phối lại sức mạnh khai thác trên toàn cầu và giúp xây dựng những cơ sở khai thác thân thiện với môi trường hơn.
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK | TELEGRAM | TWITTER
Trang tin tức Bitcoin, tiền điện tử
Nguồn: Sưu Tầm